Bác Lê ơi!
    Đang trên đường, nhận được hung tin từ anh Tuấn (con trai bác Phan Huy Tài) rằng: Chú Lê mất lúc 1 giờ 6 phút hôm nay (tức ngày 23 tháng 6 năm 2018). Không tin được dù đó đã là sự thật. Cuộc đời quá phũ phàng. Âu cũng là định mệnh bác Lê ơi.    Đã hai ngày bác Lê ra đi, con cháu dòng họ Phan Huy Gia Thiện cứ bàng hoàng, thảng thốt, đau buồn và vô cùng thương tiếc bác. Còn nhớ mỗi lần đến thăm bác ở căn phòng nhỏ gác 2, khu nhà số 7, phố Vọng Đức, lúc nào Bác cũng ôn tồn, ân cần thăm hỏi đến từng nhà, từng người một trong dòng họ. Sinh thời mỗi lần cha tôi ra Hà Nội là lại tranh thủ ghé thăm gia đình bác Lê. Cụ thể và tỉ mỉ, bác hỏi cha tôi về việc nhà, việc họ, về nhà thờ họ Phan Huy ta ở thôn Thanh Tân giờ thế nào rồi. Chả là đã bao năm xa quê, xa họ tộc, lúc nào bác Lê cũng đau đáu nỗi niềm về nơi đó. Một dòng họ, có đến nhiều người làm quan trong các triều đình – một dòng họ như là gạch nối của sự thành đạt ở nhiều thế hệ; từ cụ Bình Chương Phan Huy Cẩn đến con trai là Phan Huy Ích, một công thần, nhà ngoại giao nổi tiếng; cháu nội là nhà bác học nổi tiếng Phan Huy Chú. Và dường như cũng từ đó, nơi cội nguồn phát tích của dòng họ, hình thành nên cốt cách, phẩm chất của giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê sau này, được vinh danh là một trong “tứ trụ” của nền sử học nước nhà.

Gần đây nhất, tôi được gặp bác Lê tại nhà thờ Cụ Phan Huy Chú, một trong ba di tích lịch sử cấp quốc gia của dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Bác vẫn vậy, ôn tồn, nhỏ nhẹ và hết sức thân tình. Bác kể về lịch sử và truyền thống dòng họ Phan Huy, công bố cho con cháu biết mới đây nhất, bác sưu tầm thêm được đạo sắc của Vua Quang Trung ghi ơn Cụ Phan Huy Ích có công với nước từ năm 1792.

Là nhà giáo, nhà khoa học không chỉ có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và nền sử học nước nhà mà bác còn có công lớn trong việc tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật quý báu để khẳng định và đề nghị Nhà nước công nhận ba di tích lịch sử cấp quốc gia cho dòng họ Phan Huy (Nhà thờ dọ Phan Huy ở Hà Tĩnh; Nhà thờ và phần mộ Cụ Phan Huy Chú).

Bác Lê ơi, dẫu biết là sinh – lão – bệnh – tử nhưng sự ra đi của bác lúc này là không ai muốn. Bộ lịch sử Việt Nam mới mà Bác là người chịu trách nhiệm chính trong khâu biên soạn vẫn còn dang dở trên bàn làm việc. Nhiều công trình khoa học lớn về lịch sử đất nước mà bác đang ấp ủ nghiên cứu chưa kịp triển khai. Nhiều cán bộ khoa học trẻ, học viên còn chờ bác hướng dẫn, chấm luận án, luận văn… Nhất là bao công việc trong dòng họ ở thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, vẫn chưa hoàn thành. Ở nơi xa, Bác vẫn luôn đau đáu chú tâm với việc tôn tạo và trùng tu lại nhà thờ họ Phan Huy sao cho xứng với tầm lịch sử cấp quốc gia, rằng con cháu trong dòng họ tiếp nối truyền thống cha ông, phấn đấu trở thành người tốt. Tôi nhớ là bác Phan Huy Lê đã từng vinh dự được vinh danh là công dân ưu tú của Thủ đô từ năm nào. Cháu vẫn đinh ninh, nhớ lời bác Lê dặn: Họ ta còn nhiều việc phải làm. Cậu có điều kiện hơn, tranh thủ cùng anh em, bà con làm dần từng phần một, trước mắt là tôn tạo, trùng tu và mở rộng khuôn viên nhà thờ một cách khang trang…

Trời ơi, chỉ còn khoảng thời gian quá ngắn ngủi, chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là con cháu trong dòng họ và những người thân yêu trong gia đình phải xa bác Phan Huy Lê mãi mãi. Nguyện cầu cho bác yên giấc ngàn thu. Những gì mà bác còn lo dang dở, những gì mà bác căn dặn, cháu con trong dòng họ hứa sẽ nguyện hoàn thành.

Xin vĩnh biệt bác, bác Lê ơi!

Hà Nội, chiều tối 26-6-2018

PHAN HUY HIỀN